MÔN THI THỨ 3 VÀO LỚP 10 THAY ĐỔI QUA CÁC NĂM: ÁP LỰC VỚI HỌC SINH CÓ GIẢM?
GDVN – Việc thay đổi lựa chọn môn thứ 3 có sự thay đổi qua các năm ở dự thảo Thông tư mà Bộ vừa công bố thực chất cũng không khác nhiều với hình thức bốc thăm.
Ngày 18/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh Trung học phổ thông để lấy ý kiến từ ngày 18/10 đến ngày 18/12/2024.
Điều đáng chú ý là dự thảo lần này có thay đổi so với Công văn số 5718/BGD-ĐT-GDTrH đến các Sở Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông vừa qua khi bỏ hình thức “tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học cơ sở”.
Dự thảo bỏ hình thức bốc thăm môn thứ 3 thay bằng hình thức “lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản” và công bố trước ngày 31 tháng 3 hằng năm.
Điều này vẫn tiếp tục tạo áp lực cho học sinh Trung học cơ sở vì thời gian công bố môn thi đến trước khi thi tuyển sinh 10 chỉ hơn 2 tháng trời. Việc thay đổi lựa chọn môn thứ 3 có sự thay đổi qua các năm ở dự thảo Thông tư mà Bộ vừa công bố, theo người viết là không khác nhiều với hình thức bốc thăm mà Bộ đã lấy ý kiến vừa qua.
Bộ thay đổi hình thức bốc thăm bằng lựa chọn môn thứ ba có sự thay đổi qua các năm
Theo dự thảo Thông tư mà Bộ vừa công bố, kỳ thi tuyển sinh 10 từ năm học 2025-2026 tới đây sẽ có 3 môn thi, bao gồm môn gồm Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học lựa chọn 01(một) trong 02 (hai) phương án sau và được công bố trước ngày 31 tháng 3 hằng năm:
Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Trong khi đó, các môn đánh giá bằng điểm số ở cấp Trung học cơ sở – trừ Toán và Ngữ văn sẽ còn 6 môn học sau: Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học.
Trong đó, số tiết các môn học được phân bổ như sau: môn Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học mỗi tuần có 1 tiết/ lớp; mỗi năm có 35 tiết/ lớp; môn Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh), môn Lịch sử và Địa lí có 03 tiết/ lớp/tuần và 105 tiết/lớp/năm; môn Khoa học tự nhiên có 4 tiết/lớp/tuần và 140 tiết/lớp/năm.
Nếu được thực hiện lựa chọn môn thứ 3 cuốn chiếu, luân phiên nhau để “có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản” thì 6 năm sẽ hết một lượt.
Những năm đầu tiên sẽ rất nặng vì ngoài Toán và Văn thì học sinh đều phải đầu tư cho 6 môn học còn lại vì đều có khả năng là môn thi thứ 3. Các năm tiếp theo sẽ nhẹ dần và đến năm cuối chu kỳ chỉ còn 1 môn để Sở lựa chọn môn thứ 3 theo hướng dẫn của dự thảo Thông tư.
Đặc biệt, những năm đầu tiên của chu kỳ, học sinh sẽ rất vất vả vì mãi đến ngày 31 tháng 3 hằng năm, Sở mới công bố môn thứ 3. Bởi, có 2 môn học tính tích hợp, đó là: Lịch sử và Địa lí (có 2 phân môn, gồm: Lịch sử, Địa lí); Khoa học tự nhiên (có 3 phân môn, gồm: Hóa học; Vật lí; Sinh học).
Những môn học này, mặc dù là môn học tích hợp nhưng đang được phần lớn các trường bố trí dạy theo phân môn và kiểm tra cũng đang thực hiện riêng lẻ theo phân môn vì trong năm học 2023-2024 vừa qua, Bộ đã cho phép các trường bố trí như vậy theo hướng dẫn của Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH.
Theo dự thảo phương án thi tuyển sinh 10 mà Bộ đang lấy ý kiến thì môn Khoa học tự nhiên, cũng như các môn học đánh giá bằng điểm số đánh giá bằng điểm số khác đều có thể trở thành môn thứ 3. Nhưng, khác với các môn học còn lại, môn Khoa học tự nhiên đang là môn học phức tạp (cả trong cách dạy, cách học).
Khối lượng kiến thức môn học khá nặng và khó. Nếu môn Khoa học tự nhiên là môn thi thứ 3 trong năm đầu thì các năm sau sẽ bớt áp lực cho học trò, nhất là những em thuộc khu vực đô thị- nơi mà tỉ lệ chọi trong kỳ thi tuyển sinh 10 thường rất cao.
Nhưng, nếu môn Khoa học tự nhiên không được lựa chọn ở năm đầu chu kỳ thi tuyển sinh 10 chương trình mới mà để sau cùng thì tâm lí học sinh luôn sợ hãi. Bởi vì, muốn đậu, không có cách nào hiệu quả hơn là học sinh phải đi học thêm với thầy cô của mình hoặc học thêm tại các trung tâm.
Nhưng, cái khó là gần như rất hiếm thầy cô có thể dạy được cả môn tích hợp này. Vì thế, bắt buộc học sinh phải học, phải ôn với 3 thầy cô khác nhau cho 3 phân môn của môn Khoa học tự nhiên.
Đôi điều kiến nghị
Việc Bộ công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh Trung học phổ thông để lấy ý kiến đã bỏ hình thức bốc thăm môn thứ ba cho thấy lãnh đạo Bộ đã lắng nghe ý kiến từ cơ sở sau khi gửi Công văn số 5718/BGD-ĐT-GDTrH đến các Sở Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý.
Tuy nhiên, việc dự thảo hướng dẫn lựa chọn môn thi thứ ba “có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản” vẫn là một áp lực rất lớn cho học sinh và các nhà trường. Đặc biệt là những năm đầu tiên tổ chức thi tuyển sinh 10 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bản thân người viết bài cũng đang là giáo viên dạy lớp 9 và tham gia ôn thi tuyển sinh 10 hằng năm theo kế hoạch của nhà trường. Người viết cho rằng, phương án lựa chọn môn thứ 3 “có sự thay đổi qua các năm” mà lại cho hạn cuối cùng công bố là ngày 31/3 sẽ là áp lực rất lớn cho học trò. Bởi vì trừ Toán và Văn là 2 môn thi đã được ấn định, những môn đánh giá bằng điểm số còn lại đều có thể là môn thi thứ 3.
Vì vậy, người viết cho rằng kỳ thi tuyển sinh 10 đang do các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì Bộ tiếp tục giao cho địa phương quyền chủ động và tự quyết môn thi thứ 3 và nếu phải lựa chọn môn thứ 3 thì nên công bố trước ngày 31/12 hằng năm- giai đoạn vừa kết thúc học kỳ I là phù hợp.
Bởi, trong 6 môn còn lại, nếu chọn môn học độc lập có 1 tiết/ tuần, như: Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học thì học sinh nhẹ nhàng nhưng nếu phải những môn 3-4 tiết/ tuần và có đến 2-3 phân môn sẽ rất áp lực cho học trò.
Trong khi, lên lớp 10 thì học sinh đã bước vào giai đoạn giáo dục nghề nghiệp nên lựa chọn môn thi nào giao thoa giữa 2 cấp học vẫn là phương án khả thi nhất.
Vì thế, theo người viết cho rằng môn thi tuyển sinh 10 nên là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh vẫn là phương án tối ưu nhất. Thậm chí Toán và Ngữ văn cũng được. Bộ nên để các Sở lựa chọn hoặc ấn định môn thi để tạo sự ổn định lâu dài, tránh gây tâm lý hoang mang, hồi hộp cho học sinh, phụ huynh và các nhà trường.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Theo giaoduc.net
- Điểm mặt những thực phẩm tồi tệ nhất cho sức khỏe lá gan
- VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA NỮ HỘ SINH
- Trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam tổ chức khoá thi Chứng chỉ ngắn hạn cho các học viên ngành Chăm sóc sắc đẹp tại thành phố Vinh – Nghệ An
- Học Cao đẳng ngành Y Dược tại Đà Nẵng ở đâu?
- NGÀNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG