Cứ mỗi năm đến ngày báo điểm thi đại học tim tôi thót lại quặn đau. Cả bố mẹ con cái mong ngóng có khi thức trắng đêm trong lo âu, thấp thỏm để chờ kết quả.
Một vài bạn bè tôi thường hay nói đùa chờ kết quả thi như đánh xổ số. Kẻ buồn, người vui, có cháu kết quả không được như ý thì bỏ nhà đi, cháu bi quan quá tìm cách kết liễu đời mình.
Thực ra, áp lực thi cử và vào đại học tôi đã có ấn tượng thì thời của chúng tôi, tuy nhiên thời ấy áp lực không nhiều như bây giờ “Cổng trường đại học cao vời vợi -Mười người leo đến chín người rơi”. Vì thế việc thi trượt đại học cái thời của tôi có là lẽ rất thường. Có bạn bố mẹ quan tâm thì động viên, an ủi có nhà thì bố cũng chả quan tâm vì còn phải làm việc kiếm sống. Thông thường câu động viên vẫn là con cố lên nếu may mắn đỗ được thì cuộc sống sẽ tốt hơn còn nếu không đỗ thì cũng như những người khác. Có lẽ vì vậy áp lực thi đỗ chỉ dành cho những bạn học giỏi, có ý chí quyết tâm cao. Còn phần đa các bạn khác là không đỗ thì ở lại quê kiếm sống nuôi thân, phụ giúp gia đình.
Nhưng ngày nay thì khác. Tôi nhận thấy sự kỳ vọng của của không ít bậc cha mẹ như đã phần nào đó giết đi tâm hồn của trẻ. Đến ngày báo điểm thi là lúc mà đứa trẻ cảm giác như có vòng kim cô vô hình bóp nghẹt trái tim và đầu óc chúng.
Có thể tôi chủ quan nhưng tôi cũng gặp không ít cha mẹ không những không cho con một lời động viên mà còn tỏ ra thất vọng, so bì thậm chí là mắng mỏ. Nhiều người quá đến mức đem con trẻ ra làm trò bêu rếu, so con nhà nọ với nhà kia. Họ có bao giờ nghĩ đầu óc non nớt, rối bời của cái tuổi mới lớn phải chịu áp lực kinh khủng như thế nào. Đứa trẻ không có nơi nương tựa bấu víu về tinh thần. Có đứa sống nội tâm khi gặp tình huống như vậy thì rất dễ trầm cảm, những đứa trẻ có sống hướng ngoại thì phá phách, ngang tàng, bất cần đời…Từ đó có thể trượt dài trên đường.
Đại học có phải con đường duy nhất không, câu hỏi này tự tôi đã luôn hỏi nhiều năm nay, đặc biệt là cứ mỗi dịp thi tốt nghiệp xét tuyển đại học của các cháu. Cá nhân tôi cho rằng, sự thành công của một con người trước tiên phải là một tâm hồn phong phú, một công việc đam mê và một cái đầu thoải mái. Không nhất thiết vào đại học mới trở thành người thành công. Nói vậy không có nghĩa là học đại học không có giá trị gì. Nhưng đừng tạo áp lực quá cho trẻ và cũng đừng kỳ vọng quá nhiều khiến con trẻ luôn phải gồng mình vì kỳ vọng, vì sự so sánh ‘con nhà người ta’ của bố mẹ của người thân.
Thế kỷ 21 rồi. Thời đại 4.0 rồi hãy để cho trẻ 1 khoảng trời bình yên rộng mở để nó sải cánh vừa bay vừa hát chứ không phải bắt nó nhảy trong một lồng sắt với trái tim rỉ máu.
Theo SKĐS
- HỌC NGÀNH CHĂM SÓC SẮC ĐẸP ĐÒI HỎI NHỮNG YẾU TỐ NÀO?
- “Lá thư gửi Mẹ!” – Giải Ba
- Tốt nghiệp Bổ túc văn hóa có đủ điều kiện xét tuyển Cao đẳng Y dược chính quy 2020 không?
- Quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2024 – 2025
- CÁCH KHẮC PHỤC 8 TÌNH TRẠNG THIẾU HỤT CHẤT DINH DƯỠNG THƯỜNG GẶP