VITAMIN A TỰ Ý UỐNG CÓ THỂ GÂY NGỘ ĐỘC, LÀM SAO ĐỂ NHẬN BIẾT
SKĐS – Mới đây, 2 người bị ngộ độc vitamin A tại nhà được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) trong tình trạng nôn, đau đầu, khó thở, co quắp tay chân. Vậy vitamin A tự ý uống có thể gây ngộ độc, làm sao để nhận biết?
Vitamin A có lợi ích gì đối với sức khỏe?
Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe con người. Cơ thể người không tự tổng hợp được vitamin A mà phải hấp thụ qua thực phẩm hoặc bổ sung bằng các thực phẩm chức năng.
Vitamin A là vitamin tan trong chất béo, là chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể trong việc duy trì chức năng của biểu mô, hỗ trợ thay thế tế bào da, tăng cường thị giác. Vitamin A bao gồm một nhóm hợp chất retinol, retinal và retinyl esters. Có hai dạng chính của vitamin A trong thực phẩm:
- Vitamin A đã chuyển đổi: Gồm retinol và retinyl ester, được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như sữa, trứng, gan và cá.
- Tiền chất vitamin A: Bao gồm các carotenoid, được tìm thấy trong các loại dầu và các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây, rau cải…
Vitamin A có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của mắt, đó là duy trì sức khỏe của giác mạc và kết mạc, bảo vệ mắt khỏi tổn thương, ngăn ngừa các bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, đục thủy tinh thể.
Thiếu vitamin A có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực và đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em. WHO đã nêu rõ về tình trạng mù lòa ở trẻ em liên quan đến thiếu hụt vitamin A. Do đó, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam thường có các chương trình bổ sung vitamin A đã được triển khai để giảm nguy cơ này.
Ngoài ra, vitamin A còn vai trò quan trọng trong việc nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tham gia vào nhiều khía cạnh của hệ miễn dịch, bao gồm cả việc kích thích sự phát triển và hoạt động của tế bào miễn dịch. Các tiền chất của vitamin A như beta-carotene, alpha-carotene và beta-cryptoxanthin có khả năng chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các gốc tự do gây hại, có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ cơ thể khỏi một số loại ung thư.
VitaminA dùng không đúng có thể gây ngộ độc
Thông thường vitamin A được hấp thụ qua thực phẩm ăn uống hàng ngày. Trường hợp cần bổ sung sẽ được chỉ định của các bác sĩ. Nếu tự ý sử dụng vitamin A không đúng chỉ dẫn về liều lượng của các bác sĩ có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc nghiêm trọng.
Trên thực tế uống vitamin A khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin A thì đối tượng có thể phải bổ sung là phụ nữ mang thai hoặc cho con bú và người mắc các vấn đề sức khỏe, cụ thể:
– Thiếu hụt vitamin A: Nếu bạn có triệu chứng của thiếu hụt vitamin A, chẳng hạn như khó thở vào ban đêm, rối loạn thị lực, da khô.
– Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần bổ sung đủ lượng vitamin A để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin A trong trường hợp này nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
– Mắc các vấn đề sức khỏe cụ thể: Các tình trạng sức khỏe như bệnh tiểu đường, bệnh viêm nhiễm mạn tính, hoặc tình trạng yếu thế miễn dịch có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ và sử dụng vitamin A của cơ thể.
– Ở trẻ em, theo khuyến nghị của Bộ Y tế, một năm có 2 đợt (đợt 1 ngày 1 và 2/6, đợt 2 ngày 1 và 2/12) bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ, nhằm phòng các bệnh về mắt như mù lòa, quáng gà. Trẻ chỉ uống được vitamin A liều cao ở các trạm y tế.
Việc tự ý bổ sung vitamin A quá mức cần thiết sẽ gây nhiều hệ lụy, ngộ độc, ảnh hưởng gan, thậm chí tử vong. Ở người lớn nếu dùng vitamin liều cao trên 1.500.000 đơn vị/ngày, trẻ em trên 300.000 đơn vị/ngày sẽ nguy cơ ngộ độc cấp sau khi uống thuốc từ 4 – 6 giờ. Trường hợp dùng liều cao trên 100.000 đơn vị/ngày liên tục trong 10 – 15 ngày có nguy cơ ngộ độc với các triệu chứng điển hình tiêu chảy, gan to, da đổi màu, tăng calci, phù. Trẻ nhỏ ngộ độc có nguy cơ tăng áp lực nội sọ, ù tai…
Sử dụng vitamin A liên tục kéo dài gây hại cho gan, thậm chí có nguy cơ dẫn đến xơ gan. Nếu sử dụng liều cao hơn sẽ ngộ độc nặng.
Thông thường vitamin A có trong thực phẩm như gan, thịt, cá, trứng, sữa, Các loại rau quả màu xanh, vàng, đỏ đậm như bông cải xanh, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, gấc, rau dền… có chứa nhiều provitamin A carotenoid (chủ yếu là beta carotene). Ngoài ra, vitamin A còn có trong sữa mẹ, đặc biệt sữa non. Do đó, trong vòng 6 tháng đầu đời, trẻ bú mẹ hoàn toàn không cần bổ sung vitamin này.
Tóm lại: Cho dù vitamin A có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, nhưng chúng ta không được tự ý sử dụng vitamin A một cách tùy ý. Nếu nghi ngờ thiếu hụt vitamin A cần đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định liều bổ sung phù hợp.
Hàng năm Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho hơn 6 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 36 tháng tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã/phường trên quy mô toàn quốc (mỗi năm có 2 đợt: Đợt 1 vào tháng 6 và đợt 2 vào tháng 12).
Trong các chiến dịch này, thì trẻ em trong độ tuổi được cho uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao. Thời gian vừa qua, các chiến dịch bổ sung vitamin A đã giúp cho Việt Nam thanh toán được bệnh mù lòa do thiếu vitamin A vào năm 2000.
Bộ Y tế khuyến cáo để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung các sản phẩm vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất…), dùng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn.
- Trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam ký hợp tác với IIG Việt Nam
- Chương trình tập huấn an toàn y tế phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường máu và dịch sinh học tại cơ sở thẩm mỹ
- Tuyển sinh Cao đẳng Chăm sóc sắc đẹp
- Văn bằng 2 là gì? Lợi ích của việc học văn bằng 2 ra sao?
- CÁCH GIÚP MẮT KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ