Học phí tăng mạnh khi tự chủ, có lo “hẹp cửa” cho sinh viên nghèo vào đại học?

 Tự chủ đại học được cho là xu hướng tất yếu, song vấn đề đặt ra là khi tự chủ, đầu tư ngân sách nhà nước cho các trường ĐH sẽ giảm, mức thu học phí tăng cao. Điều này đặt ra những lo ngại về việc tăng áp lực chi phí cho sinh viên, phụ huynh, ảnh hưởng đến tiếp cận cơ hội giáo dục đại học.

Mức học phí tăng gián tiếp tạo ra “khủng hoảng thừa” và “khủng hoảng thiếu”

Theo PGS.TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Kế hoạch Tài chính ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường đại học tự chủ được phép thu mức học phí cao theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Mặt trái của việc tăng học phí trong các trường đại học công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học. Bên cạnh đó, các ngành khoa học cơ bản, có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của đất nước, cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng học phí.

Cụ thể, thầy Thụy cho rằng, với cùng một mức chi trả học phí, người học bắt đầu giảm lựa chọn học các ngành khoa học cơ bản để theo học các ngành mang tính “hot” bởi cơ hội nghề nghiệp phong phú hơn và thu nhập cao hơn: “Ngay cả trong nhóm ngành khoa học cơ bản lĩnh vực tự nhiên và xã hội cũng có sự biến chuyển đáng chú ý. Xu hướng này có thể là do sự quan tâm của xã hội, gia đình và bản thân người học đang thay đổi nhưng cũng có thể do mức học phí. Các xu hướng mới này có thể gián tiếp tạo ra “khủng hoảng thừa” và “khủng hoảng thiếu” về nhân lực của một số ngành khoa học cơ bản trong tương lai gần”.

PGS.TS Nguyễn Ninh Thụy cho rằng, trong khi học phí tăng, thì mức vay tín dụng cho sinh viên vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo quy định hiện hành, chỉ có sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi hoặc thành viên của hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập thấp hoặc gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh mới được vay. Nhưng mức cho vay khá thấp, chỉ 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu so sánh với mức sống của sinh viên thì số tiền vay 2,5 triệu đồng/tháng chỉ bằng và chiếm khoảng 35%-40% tổng chi phí học tập của các em. Bên cạnh đó, thời hạn cho vay ngắn, sinh viên phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khoá học. Thời hạn vay tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Như vậy, nếu sinh viên được vay lần đầu tiên ngay khi trúng tuyển đại học và thời gian học 5 năm thì thời hạn vay tối đa chỉ 10 năm tức sinh viên phải trả nợ tối đa 5 năm sau khi ra trường.

Còn tại ĐH Thái Nguyên, GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng ĐH Thái Nguyên lại cho rằng, là 1 trong 3 đại học vùng thực hiện tự chủ giáo dục đại học, tuy nhiên, đến nay học phí không thể tăng. Bởi đối tượng tuyển sinh chủ yếu của nhà trường ở khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có đến 60% sinh viên là người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

“Với nguồn tài chính hạn hẹp, chúng tôi đang rất cố gắng vì không thể tăng học phí, hầu hết sinh viên ở những vùng hết sức khó khăn. Thậm chí nhiều dịch vụ khi các em vào trường cũng không thể thu phí mà phải miễn phí rất nhiều. Hiện nay, chúng tôi rất mong mỏi được đầu tư với nguồn lực cao hơn để tạo ra sức bật cho đại học vùng, nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao”, GS.TS Phạm Hồng Quang cho biết.

Điều chỉnh học phí nhưng không thể tăng đột biến

Là một trong những trường ĐH thực hiện tự chủ từ rất sớm, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, muốn đột phá, cải thiện đời sống cán bộ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu thì buộc phải tự chủ. Điều khó khăn nhất khi tự chủ đại học là thay đổi nhận thức để phát huy được nội lực của từng giảng viên, qua đó thu nhập của trường cũng như của các thầy cô sẽ tăng lên, giúp bình ổn cuộc sống và có nhiều thời gian cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu. Quá trình tự chủ đại học cũng cần bỏ tư duy bao cấp về học phí.

“Chúng ta đang trên lộ trình điều chỉnh mức học phí ở mức đúng và đủ, nhưng không có nghĩa là để học phí tăng đột biến. Điều quan trọng là cần nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp với trách nhiệm của nhà trường và trách nhiệm của người học để đào tạo ra một kỹ sư, cử nhân tương lai có năng lực, khả năng kiếm tiền để bù đắp vào mức học phí đã đóng. Ở Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, năm 2016 chúng tôi bắt đầu một chương trình đào tạo là kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nhật có mức học phí gấp 2,5 lần bình thường. Đầu tiên, nhiều người e dè và không mong muốn học, nhưng lứa đầu tiên ra trường có 30% số em đi làm tại Nhật Bản và chỉ sau 1 năm, mức lương của các em có thể bù lại học phí đã đóng trong 5 năm. Điều đó có nghĩa đây là một sự đầu tư đúng đắn”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nói.

Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng nêu quan điểm, khi tự chủ, các trường đại học cần có lộ trình tăng học phí phù hợp để xã hội và phụ huynh chấp nhận. Để tạo ra sự công bằng trong giáo dục, vẫn cần có những chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghèo và những sinh viên giỏi. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, nhà trường cam kết với người học, mỗi năm mức học phí sẽ không tăng quá 8-10%. Năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, do đó mức học phí tại ĐH Bách khoa Hà Nội được giữ nguyên. Dự kiến năm học 2022-2030 sẽ chính thức điều chỉnh học phí, mức học phí theo tín chỉ sẽ từ 350.000 đồng – 1 triệu đồng/tín chỉ.

“ĐH Bách khoa Hà Nội công khai mức tăng học phí và cam kết mỗi năm không tăng quá từ 8-10%, từ đó sinh viên có thể tính toán được học phí trong 4-5 năm học. Với những sinh viên thuộc hộ nghèo, nhà trường đã có những chính sách hỗ trợ riêng”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần nhìn nhận thực chất của vấn đề tăng học phí đại học, hiện nay tổng số kinh phí đầu tư tính cho 1 sinh viên còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cần nâng cao mức đầu tư cho sinh viên, thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lâu nay, kinh phí đào tạo chủ yếu từ ngân sách Nhà nước cấp thường xuyên và do người học tự đóng góp, tỷ lệ doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách đào tạo giáo dục có nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

“Một số trường đại học trong khu vực đang có mức chi phí cao gấp hàng chục lần so với chi phí tại các trường ĐH công lập tại Việt Nam, nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay sẽ rất khó để cạnh tranh. Theo tính toán của các chuyên gia, đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam thu về lợi ích cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới. Người học cũng cần đặt ra bài toán đầu tư cho tương lai, bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ người học thông qua cơ chế tín dụng. Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý tăng mức tín dụng cho sinh viên, song đối tượng thụ hưởng vẫn chưa được mở rộng đáng kể.

Chúng ta cần lưu ý rằng, tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội, nếu nhìn theo một góc độ khác, các trường đại học muốn có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo thì cần có kinh phí hỗ trợ, muốn vậy cần tăng học phí. Nếu giữ nguyên mức học phí thấp, vừa suy giảm chất lượng giáo dục đào tạo, vừa không có điều kiện hỗ trợ sinh viên nghèo, đây là quan niệm cần thay đổi. Đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho tương lai, tăng sự tiếp cận giáo dục đại học”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *






    Đăng ký xét tuyển trực tuyến

    THÔNG TIN CÁ NHÂN





    TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN

    Tốt nghiệp THPTTrung cấpCao đẳng/Đại họcKhác

    CAO ĐẲNG CHÍNH QUY

    DượcĐiều DưỡngY sĩ đa khoaY học cổ truyềnHộ sinhXét NghiệmVật lý Trị LiệuTiếng AnhTiếng NhậtTiếng TrungTiếng HànDa/Phun ThêuDu học Nhật Bản

    TRUNG CẤP CHÍNH QUY

    Trung cấp YHCTPhục hình răng