CHÍNH TRỊ: BÀI 5 CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

 

BÀI 5

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Ở VIỆT NAM

 

  1. Chủ nghĩa xã hội
  2. Tính tất yếu và bản chất của chủ nghĩa xã hội
  • Tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định xã hội loài người phát triển tuần tự qua các hình thái kinh tế-xã hội, từ cộng sản nguyên thuỷ đến cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn thấp là xã hội chủ nghĩa) là một quá trình lịch sử tự nhiên, nghĩa là tất yếu sẽ diễn ra. Tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là quy luật phát triển của xã hội loài người.

Mỗi hình thái kinh tế-xã hội tương ứng với một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và một kiến trúc thượng tầng được xây dựng trên quan hệ sản xuất đó. Trong xã hội tư bản, lực lượng sản xuất phát triển mâu thuẫn với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Giữa hai giai cấp cơ bản trong xã hội tư bản là giai cấp công nhân và giai cấp tư sản mâu thuẫn ngày càng gay gắt. Các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân như bãi công, biểu tình… đòi tăng lương, đòi quyền dân sinh, dân chủ, cải thiện đời sống liên tiếp nổ ra. Cuộc đấu tranh ấy nổ ra từ tự phát đến tự giác.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tất yếu sẽ bùng nổ để thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là điều kiện để giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng công nhân và nhân dân lao động.

Cách mạng Tháng mười Nga năm 1917 đã mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, Các cuộc cách mạng xã hội ở châu Âu, châu Á và Mỹ Latinh đã giải phóng hầu hết các nước thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, mở ra khả năng cho nhiều nước quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Các dân tộc dù sớm hay muộn đều đi lên chủ nghĩa xã hội.

  • Bản chất của chủ nghĩa xã hội

Theo chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội, giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản là một xã hội đặc trưng cơ bản sau:

– Có nền kinh tế phát triển cao được xây dựng trên cơ sở lực lượng sản xuất hiện đại và phát triển bền vững. Đó là nền đại công nghiệp và kiểu tổ chức về lao động có năng suất cao hơn hẳn chủ nghĩa tư bản. V. I. Lênin nói “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền xô viết cộng với điện khí hoá toàn quốc”

– Có quan hệ sản xuất tiến bộ trên cơ sở xoá bỏ chế độ tư hữu, xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, phân phối sản phẩm trong xã hội phát triển theo hai giai đoạn từ thấp đến cao. Phân phối sản phẩm trong chủ nghĩa xã hội là phân phối theo lao động, ở giai đoạn cao là phân phối theo nhu cầu.

– Có nền văn hoá và tư tưởng tiến bộ với lối sống dựa trên cơ sở bình đẳng, dân chủ và chủ nghĩa tập thể. Con người phát triển tự do, toàn diện. Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện của sự phát triển tự do của mỗi người.

Các dân tộc trên thế giới đoàn kết hữu nghị và bình đẳng, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chủ nghĩa xã hội với nhiều đặc trưng. Chủ nghĩa xã hội là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do, là đoàn kết, vui khoẻ, là nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy. Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn, việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc…

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chủ nghĩa xã hội không phải là cái gì cao xa mà cụ thể là ý thức lao động tập thể, ý thức kỷ luật, tinh thần thi đua yêu nước, tăng sản xuất cho hợp tác xã, tăng thu nhập cho xã viên, tinh thần đoàn kết tương trợ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám nói, không sợ khó, ý thức cần kiệm”.

Vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng ta luôn tìm tòi, xác định mô hình, bước đi và những phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

  1. Các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa xã hội

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa chia thành ba thời kỳ: Thời kỳ quá độ, chủ nghĩa xã hội và giai đoạn cao của chủ nghĩa cộng sản.

  • Tính tất yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trước hết phải qua một thời kỳ quá độ lâu dài để cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, triệt để, toàn diện từ xã hội cũ sang xã hội mới. Nhà nước của thời kỳ ấy chính là Nhà nước của giai cấp vô sản. Con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội có thể là quá độ trực tiếp hoặc là quá độ gián tiếp qua nhiều bước trung gian.

Đây là thời kỳ đấu tranh giữa một bên là giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động có chính quyền nhà nước với một bên là giai cấp bóc lột và thế lực phản động mới bị đánh đổ, chưa hoàn toàn bị xoá bỏ, lại được sự ủng hộ của các thế lực đế quốc và phản động quốc tế. Trong xã hội, cái cũ chưa bị xoá bỏ, cái mới xây dựng chưa vững chắc. Cuộc đấu tranh diễn ra dưới những hình thức mới, nội dung mới và điều kiện mới.

Trong điều kiện mới, những nước kém phát triển có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Bước quá độ đó cần phải có những điều kiện:

– Điều kiện chủ quan là Đảng Cộng sản lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng phải giành và giữ vững sự lãnh đạo, giữ vững chính quyền, thực hiện liên minh giai cấp công nhân, nông dân và trí thức. Có nhà nước xã hội chủ nghĩa được thiết lập, củng cố và ngày càng hoàn thiện quyết tâm đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

– Điều kiện khách quan là phải có một nước giành thắng lợi trong cách mạng vô sản, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Công cuộc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước này là tấm gương tạo điều kiện để giúp đỡ các nước lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau cách mạng tháng Muời Nga 1917 nhiều nước giành được độc lập dân tộc có xu hướng phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó là xu thế tất yếu của thời đại.

  • Hai giai đoạn chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản

Sau khi kết thúc thời kỳ quá độ, tiến lên chủ nghĩa cộng sản phải qua hai giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất là chủ nghĩa xã hội. Đây là giai đoạn thấp, giai đoạn mới thoát thai từ xã hội cũ, vì vậy còn tồn tại những tàn dư của xã hội cũ trên tất cả các lĩnh vực.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn cao của chủ nghĩa cộng sản. Trong giai đoạn này những tàn dư của xã hội cũ đã bị xoá bỏ, lực lượng sản xuất phát triển cao độ, của cải xã hội rất dồi dào, lao động trở thành nhu cầu đầu tiên của con người, mỗi người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.

Do tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài nên trong xây dựng chủ nghĩa xã hội phải tránh nôn nóng, chủ quan, đốt cháy giai đoạn, phải tiến hành dần dần từng bước, vấn đề cơ bản là phải xác định đúng bước đi, hình thức phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất, biết kết hợp các khâu trung gian, quá độ tuần tự, từng bước từ thấp đến cao. Điều đó đòi hỏi đảng cầm quyền phải nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin để vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của thực tiễn nước mình.

 

  1. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
  2. Cơ sở khách quan của thời kỳ quá độ ở việt Nam

Con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được Đảng ta lựa chọn từ rất sớm, ngay khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài, “ai nói dễ là chủ quan và sẽ thất bại”. Người nhắc nhở, tiến lên chủ nghĩa xã hội phải trải qua nhiều buớc, “bước ngắn, buớc dài tuỳ theo hoàn cảnh của một bước”, nhưng “chớ ham làm mau, làm rầm rộ. Làm ít mà chắc hơn làm nhiều, làm rầm rộ và không chắc chắn. Đi bước nào vững bước ấy cứ tiến tới dần dần”.

Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, hậu quả của chế độ thực dân phong kiến còn nặng nề. Đất nước vừa có hoà bình, vừa có chiến tranh, miền Bắc ba lần khôi phục kinh tế, hai lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (lần thứ nhất từ tháng 8 năm 1964 đến tháng 11 năm 1968, lần thứ hai từ tháng 4 đến hết tháng 12 năm 1972).

Sau năm 1975, cả nước ta quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội từ nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ, bỏ qua giai đoạn phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa. Các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và nền độc lập của dân tộc ta. Đảng ta xác định phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài, khó khăn và phức tạp với nhiều chặng đường.

Qua 10 năm đổi mới (1986-1996), Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VIII (6-1996) đã khẳng định, nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hoá đã cơ bản được hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Chúng ta có khả năng thực hiện quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa vì:

  • Ta có Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện xã hội. Đảng là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị. Đảng là người tổ chức và lãnh đạo mọi lĩnh vực của cách mạng Việt Nam.
  • Nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân không ngừng được củng cố, hoàn thiện, là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

– Nhân dân ta có nhiều truyền thống và phẩm chất tốt đẹp; trung thành và tin tưởng vào Đảng; đất nước ta có vị trí chiến lược quan trọng, có tài nguyên phong phú…

Qua hai mươi năm đổi mới (1986-2006), với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị-xã hội ổn định. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.

Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp thực tiễn Việt Nam. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản.

Trong khi khẳng định những thành tựu nói trên, cần thấy rõ, cho đến 2006 nước ta vẫn trong tình trạng kém phát triển. Kinh tế còn lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, còn nhiều yếu kém. Lý luận chưa giải đáp được một số vấn đề của thực tiễn đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đặc biệt là trong việc giải quyết các mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa đổi mới và ổn định và phát triển; giữa độc lập tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế…

Thực trạng đó là cơ sở đòi hỏi Đảng ta tiếp tục đổi mới toàn diện, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.

  1. Nội dung của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

2.1. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991)

Cương lĩnh năm 1991 do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6 – 1991) của Đảng thông qua. Cương lĩnh đã tổng kết tiến trình cách mạng Việt Nam hơn 60 năm và nêu rõ mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. “Xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị tư tưởng, văn hoá phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh”.

Cương lĩnh năm 1991 đã nêu lên Chủ nghĩa xã hội mà ta xây dựng là xã hội có sáu đặc trưng cơ bản (do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa vào lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột và bất công, làm theo năng lực hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước đoàn kết, bình đẳng và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”).

Cương lĩnh năm 1991 nêu lên bảy phương hướng cơ bản xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

(“Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, lấy liên minh công, nông, trí thức làm nền tảng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

  • Phát triển lực lượng sản xuất bằng cách tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo hướng hiện đại gắn với phát triển công nghiệp toàn diện.
  • Xác lập quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất từ thấp đến cao.
  • Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá làm cho lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.
  • Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc.
  • Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.
  • Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh).

2.2. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được bổ sung và phát triển trong Đại hội XI năm 2011.

Cương lĩnh đã được bổ sung và phát triển trong Đại hội XI xác định: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

So với Cương lĩnh 1991, Cương lĩnh năm 2011 đã bổ sung thêm 2 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là: đặc trưng bao trùm, tổng quát: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và đặc trưng “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”.

Do đó các đặc trưng cơ bản của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”17[1].

Phương huớng cơ bản xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đã được Cuơng lĩnh Đại hội XI bổ sung và phát triển. Cương lĩnh Đại hội XI xác định: “Toàn Đảng, toàn dân ta cần nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng và trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quán triệt và thực hiện tốt các phương hướng cơ bản sau đây:

Một là, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất.

Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”18.

Cương lĩnh năm 1991 và cương lĩnh sửa đổi, bổ sung là ngọn cờ soi đường xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng hiện nay và trong những thập kỷ tới. Thực hiện thắng lợi Cương lĩnh này nhất định nước ta sẽ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh.

  • Nội dung con đường xã hội chủ nghĩa ởnước ta
  1. Nội dung con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta theo cương lĩnh 1991.

Đại hội Đại biểu lần thứ X của Đảng (4-2006) đã tổng kết 20 năm đổi mới, bổ sung và phát triển cụ thể Cương lĩnh năm 1991 về mô hình mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng gồm tám đặc trưng cơ bản. Sau đó đại hội XI đã bổ sung và phát triển như đã nêu trên.

  • Đại hội X đã xác định các phương hướng cơ bản. “Để đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng của xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết dân tộc; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”.
  • Phương hướng tổng quát của giai đoạn 2006-2010. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển văn hoá; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội; sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.)

Phương hướng cụ thể là: Tiếp tục hoàn thiện và nắm vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta là nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của nhà nước trong thực hiện các chức năng của mình. Phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành các loại thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh.

  • Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức. Phát triển mạnh các ngành và sản xuất kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức. Đẩy mạnh công nghệ hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Phát triển nhanh hơn công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển; chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu cồng nghệ; bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên quốc gia, cải thiện môi trường tự nhiên.
  • Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ phát triển nguồn nhân lực. Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
  • Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội. Khuyến khích mọi người làm giàu theo luật pháp, thực hiện có hiệu quả các chính sách xoá đói giảm nghèo. Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống chính sách tạo việc làm, chăm sóc sức khoẻ, văn hoá-thông tin, thể dục thể thao…
  • Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế. Phát huy tinh thần tự nguyện, tính tự quản và năng lực làm chủ của nhân dân trong đời sống văn hoá. Tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng. Tạo điều kiện cho các lĩnh vực xuất bản, thông tin đại chúng phát triển, nâng cao chất lượng tư tưởng và văn hoá. Bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi hoạt động sáng tạo văn hoá, văn học, nghệ thuật đi đôi với phát huy trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ. Tăng cường quản lý của nhà nước về văn hoá.
  • Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị; an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hoá và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá thù địch. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. Kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng an ninh.
  • Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.
  • Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân đội ngũ tri thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
  • Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân.
  • Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí.

-Tạo được chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng, phát huy truyền thống cách mạng, bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong của Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực. Đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta./.

 

 

17CL xây dựng đất nước trong TKQĐ lên CNXH, sửa đổi, bổ sung ở ĐHXI

18CL xây dựng đất nước trong TKQĐ lên CNXH, sửa đổi, bổ sung ở ĐHXI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *






    Đăng ký xét tuyển trực tuyến

    THÔNG TIN CÁ NHÂN





    TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN

    Tốt nghiệp THPTTrung cấpCao đẳng/Đại họcKhác

    CAO ĐẲNG CHÍNH QUY

    DượcĐiều DưỡngY sĩ đa khoaY học cổ truyềnHộ sinhXét NghiệmVật lý Trị LiệuTiếng AnhTiếng NhậtTiếng TrungTiếng HànDa/Phun ThêuDu học Nhật Bản

    TRUNG CẤP CHÍNH QUY

    Trung cấp YHCTPhục hình răng