Bên cạnh việc chăm sóc người bệnh đảm bảo an toàn và hiệu quả, người điều dưỡng còn phải đảm bảo chăm sóc người bệnh toàn diện, từ theo dõi diễn tiến bệnh, thực hiện các kỹ thuật chăm sóc theo y lệnh của bác sĩ, cho đến chăm sóc vệ sinh cá nhân, hỗ trợ ăn uống,… cho người bệnh trong thời gian nằm viện. Có phải mỗi người điều dưỡng đều phải thực hiện chức năng giống nhau trong chăm sóc người bệnh, thử tìm hiểu hoạt động đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực điều dưỡng tại các nước trên thế giới.
Tại các nước có hệ thống y tế phát triển mạnh như Mỹ, Anh, Úc, Singapore,…, điều dưỡng được đào tạo với nhiều loại hình khác nhau tương ứng với trình độ chuyên môn khác nhau. Có 5 mức trình độ chuyên môn trong đào tạo chuyên ngành điều dưỡng từ thấp lên cao là: (1) Diploma, tương đương trung học điều dưỡng, (2) ADN (Associate Degree in Nursing), tương đương cao đẳng điều dưỡng, (3) BSN (Bachelor of Science in Nursing), tương đương cử nhân điều dưỡng (4) MSN (Master of Science in Nursing), tương đương thạc sĩ điều dưỡng, (5) Doctorate (Doctor of nursing) tương đương tiến sĩ điều dưỡng.
Tại Mỹ, cho dù hoàn thành chương trình đào tạo điều dưỡng ở trình độ nào, sau khi thi tốt nghiệp, để có giấy phép hành nghề chính thức, thì tất cả điều dưỡng đều phải đăng ký và trải qua kỳ thi cấp quốc gia có tên là NCLEX (National Council Licensure Examination). Nếu vượt qua được kỳ thi này thì người điều dưỡng sẽ được cấp giấy phép hành nghề, còn gọi là điều dưỡng RN (Registered Nurse).
Sau khi có giấy phép hành nghề RN, người điều dưỡng sẽ được các bệnh viện và các cơ sở y tế tiếp nhận vào làm việc chính thức, cơ sở nơi tiếp nhận sẽ căn cứ vào trình độ của người điều dưỡng sẽ phân công vị trí việc làm tương ứng, ví dụ: điều dưỡng RN có trình độ thạc sĩ sẽ được phân công làm điều dưỡng trưởng khoa lâm sàng, điều dưỡng RN có trình độ tiến sĩ được phân công giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, điều dưỡng RN có trình độ cao đẳng được phân công làm điều dưỡng trực tiếp chăm sóc người bệnh.
Ngoài ra, điều dưỡng RN có trình độ thạc sĩ có thể học thêm để lấy các chứng chỉ chuyên sâu trong ngành điều dưỡng để trở thành điều dưỡng chuyên sâu, còn gọi là điều dưỡng APRN (Advanced Practice Registered Nurse), có 4 nhóm loại hình chính của điều dưỡng APRN, bao gồm: (1) Nhóm điều dưỡng chuyên khoa lâm sàng (Clinical Nurse Specialists: CNSs), (2) Nhóm điều dưỡng gây mê (Certified registered nurse anesthetists: CRNAs), (3) Nhóm điều dưỡng hộ sinh (Certified nurse midwives: CNMs), (4) Nhóm điều dưỡng điều trị (Nurse practitioners: NPs). Đây chính là nguồn nhân lực điều dưỡng sẽ tham gia phát triển các kỹ thuật chuyên sâu của các bệnh viện. Riêng đối với loại hình điều dưỡng điều trị NPs, người điều dưỡng sẽ tham gia chăm sóc sức khoẻ ban đầu, có thể kê đơn thuốc, chỉ định xét nghiệm, làm công tác dự phòng,… tại các phòng khám hoặc bệnh viện những nơi khó tuyển được bác sĩ.
Bên cạnh các điều dưỡng có RN (với 5 mức độ về trình độ chuyên môn như trên) sẽ trực tiếp thực hiện các kỹ thuật chăm sóc người bệnh, tại Mỹ và các nước có hệ thống y tế tiên tiến còn có thêm một loại hình điều dưỡng khác, còn gọi là điều dưỡng LPN (Licensed Practice Nurring). Loại hình điều dưỡng LPN này có thể xem tương đương với điều dưỡng sơ cấp, chỉ cần qua lớp đào tạo những kiến thức căn bản về chăm sóc người bệnh trong thời gian 1 năm ngay tại các bệnh viện, và không đủ điều kiện để lấy giấy phép hành nghề RN, thay vào đó chỉ là chứng nhận đã hoàn thành khoá học. Đây chính là đội ngũ điều dưỡng sẽ tham gia hoạt động chăm sóc toàn diện cho người bệnh, người điều dưỡng LPN sẽ phụ tá cho điều dưỡng RN làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn sâu như theo dõi người bệnh, chuyển người bệnh, vệ sinh cá nhân cho người bệnh,…
Tóm lại, tại các nước có hệ thống y tế phát triển, trong cùng một bệnh viện đều có nhiều loại hình điều dưỡng để đảm trách các chức năng nhiệm vụ khác nhau tương ứng với các trình độ đào tạo khác nhau. Tất cả đều phải qua kỳ thi quốc gia để có giấy phép hành nghề RN ngoại trừ loại hình phụ tá cho điều dưỡng LPN không đủ điều kiện để trải qua kỳ thi quốc gia nhưng cũng phải được đào tạo và phải được chứng nhận qua kiểm tra sát hạch tại bệnh viện trước khi hành nghề.