Tại nhiều bệnh viện đã thiết lập thêm giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân hậu COVID. Trong đó, điều trị hậu COVID, y học hiện đại khuyến cáo dùng vitamin tổng hợp như vitamin nhóm B như magieB6 và vitamin C từ 20-30 ngày dù người bệnh có hay không có triệu chứng sau khi khỏi.
Bên cạnh đó, khuyến cáo tăng cường ăn nhiều hoa quả, nước ép, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và tập các bài tập hỗ trợ để phục hồi đường hô hấp, tiêu hóa…
Với y học cổ truyền, có rất nhiều bài tập khí công dưỡng sinh để phục hồi cho bệnh nhân liên quan đến vấn đề hô hấp, bệnh nhân đau nhức xương khớp, bệnh nhân mất ngủ do stress… Đồng thời, liệu pháp xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, ngâm chân xông hơi thuốc bắc… sẽ điều trị các triệu chứng hậu COVID với hiệu quả cao.
Đại tá, ThS.BS Quách Quang Tho, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quân Y 354, cho biết, thời điểm các bệnh viện trở lại tiếp nhận người bệnh theo trạng thái “bình thường mới”, có tới hơn một nửa số ca vào điều trị tại khoa là do hậu COVID. Các triệu chứng phổ biến là người bệnh đau đầu mất ngủ, ho kéo dài…
Mỗi đợt điều trị kéo dài 2 tuần, tuy nhiên, tùy từng trường hợp bệnh nhân, có người xuất viện trở về với công việc chỉ sau một tuần và có người sau 2 tuần lại tái nhập viện để điều trị.
“Thông thường người bệnh mất ngủ sẽ sinh ra đau đầu, đau mỏi cơ khớp… Người bệnh vào viện sẽ được điều trị kết hợp Đông y và Tây y. Khi vào viện, tâm lý người bệnh đã yên tâm hơn. Với triệu chứng mất ngủ, chúng tôi dùng các bài thuốc Đông y để điều trị chứng mất ngủ. Bệnh nhân đau mỏi cơ khớp được điều trị xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, ngâm chân xông hơi thuốc bắc giúp người bệnh thư giãn và sức khoẻ dần trở lại bình thường”, Ths.BS Quách Quang Tho cho biết.
Theo BS Tho, thời kỳ chưa mắc COVID-19, người bệnh không có các triệu chứng mất ngủ, đau đầu, đau mỏi xương khớp…, nhưng sau khi khỏi các triệu chứng này xuất hiện và được xác định là hậu COVID. Điều trị hậu COVID, Đông y có những bài thuốc cổ phương và các kỹ thuật không dùng thuốc. Cụ thể tùy theo triệu chứng của người bệnh: Bệnh nhân mất ngủ được điều trị bằng các vị thuốc an thần, bệnh nhân đau mỏi xương khớp có các bài thuốc lưu thông khí huyết và dưỡng khớp. Với đau đầu có vị thuốc giảm đau tăng tuần hoàn não…”
Từ tháng 4/2022 đến nay, Khoa Y học cổ truyền tiếp tục tiếp nhận 116 bệnh nhân, trong đó có trên 1/3 người bệnh nhập viện do hậu COVID. Số bệnh nhân còn lại nhập viện do thiểu năng tuần hoàn não, thoái hóa cột sống cổ, đau lưng cấp, viêm loét dạ dày, viêm tràn dịch khớp gối, suy tĩnh mạch chi… và người bệnh mất ngủ không do hậu COVID.
Ths BS Quách Quang Tho cũng lưu ý số bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện chiếm khoảng 25%, khi thoái hóa xương khớp đang dần trẻ hóa, thậm chí bị thoát vị địa đệm, tràn dịch khớp vai và tràn dịch khớp gối, không như trước đây phải trên 50-60 tuổi mới gặp phải./.
- TIN TỨC PHẢI TIẾP TỤC XÂY DỰNG HOÀN THIỆN THỂ CHẾ VỀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ
- Tuyển sinh ngành Dược Năm 2023 được nhà nước hỗ trợ 70% học phí
- Những điểm mới về chấm thi THPT Quốc gia 2020
- Trường Cao Đẳng Công Nghệ Y Dược Việt Nam tổ chức lễ tốt nghiệp cho các tân cử nhân niên khoá 2020 -2023
- GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM TRIỂN NGANG TẦM CÁC NƯỚC TIÊN TIẾN