TIN TỨC PHẢI TIẾP TỤC XÂY DỰNG HOÀN THIỆN THỂ CHẾ VỀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ
SKĐS – Đào tạo chuyên khoa là đào tạo nhân lực chất lượng cao, là nhu cầu và xu hướng tất yếu để phát triển nguồn nhân lực y tế. Mô hình đào tạo, quản lý đào tạo chuyên khoa ở các nước rất đa dạng, nhưng đều có điểm chung hướng tới chất lượng người hành nghề và an toàn người bệnh…
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh những nội dung này tại hội thảo góp ý dự thảo “Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ” do Bộ Y tế tổ chức hôm nay (16/5) ở Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam.
Cần thiết chuẩn hóa chất lượng chương trình đào tạo nhân lực y tế
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, về hệ thống thể chế quản lý đào tạo nhân lực y tế, các nước đều có xu hướng xây dựng các văn bản luật riêng trong đó có các quy định về kiểm soát chất lượng nguồn nhân lực y tế như: Luật Bác sĩ, Luật Điều dưỡng ở Nhật Bản; Luật Dịch vụ y tế ở Hàn Quốc; Luật Y khoa, Luật Điều dưỡng ở Thái Lan; Luật về An toàn và nhân lực lao động của Úc …
Ở nước ta, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023 có nội dung quan trọng liên quan đến đào tạo nhân lực y tế về tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh – đây chính là một điểm mới của Luật.
Tại thời điểm này, trên cả nước có 26 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú, trong đó số cơ sở giáo dục đại học công lập có 20/26 chiếm gần 80% số cơ sở;
Số học viên đào tạo chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2 và bác sĩ nội trú tốt nghiệp trung bình hằng năm khoảng 6.000 – 7.000 học viên trên tổng số hơn 9000 học viên sau đại học lĩnh vực sức khỏe tốt nghiệp.
Tuy nhiên công tác đào tạo chuyên khoa của nước ta còn một số hạn chế như chất lượng đào tạo chuyên khoa giữa các cơ sở giáo dục còn khác nhau, chính sách về đào tạo chưa cập nhật, đồng bộ và thống nhất. Trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu để từng bước hội nhập khu vực và quốc tế…
“Nhiệm vụ của Bộ Y tế là phải tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế về đào tạo nhân lực y tế trong đó có nhiệm vụ xây dựng Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe, với mục tiêu chuẩn hóa chất lượng chương trình đào tạo và nâng cao năng lực quản lý đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vực sức khoẻ”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Hướng đến giải quyết 3 vấn đề chính trong đào tạo nhân lực y tế chuyên sâu
Đại diện Cục Khoa học – Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế trình bày dự thảo “Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ” cho hay, mục tiêu xây dựng Nghị định nhằm giải quyết 3 vấn đề chính trong đào tạo nhân lực y tế theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế, bao gồm:
1. Đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vực sức khỏe là đào tạo đặc thù, gắn liền với hoạt động chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh;
2. Phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 về mô hình đào tạo các ngành và trình độ trong lĩnh vực sức khỏe, phù hợp với Luật Giáo dục đại học sửa đổi, nhất là mô hình đào tạo bác sĩ và công nhận trình độ đào tạo chuyên sâu, đặc thù;
3. Chuẩn hóa các chương trình đào tạo cấp văn bằng chuyên khoa, cấp chứng chỉ để duy trì giấy phép hành nghề và phát triển nghề nghiệp liên tục, bổ sung và điều chỉnh phạm vi hoạt động chuyên môn trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Tại hội thảo, các bên liên quan như đại diện nhà sử dụng nhân lực y tế (Bệnh viện, Sở Y tế ..), nhà đào tạo (cơ sở đào tạo, cơ sở thực hành) và đại diện quyền lợi của người hành nghề (hội nghề nghiệp), các cơ quan quản lý đã trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến về các nội dung của dự thảo Nghị định.
Đặc biệt các đại biểu quan tâm đến các nội dung mới cập nhật bổ sung theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; các nội dung còn ý kiến khác nhau để thống nhất các nội dung cơ bản của bản Nghị định…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng dự thảo “Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ” đã được xây dựng trong thời gian dài, các nội dung cơ bản đã được hoàn chỉnh, tuy nhiên do một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành (Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP…), do đó cần rà soát, bổ sung và cập nhật dự thảo Nghị định cho đồng bộ với các văn bản mới.
Đại diện Cục Khoa học – Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế trình bày dự thảo “Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ”.
Thứ trưởng giao Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo làm đầu mối phối hợp với Vụ Pháp chế, các chuyên gia và các đơn vị có liên quan tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các đại biểu tiếp tục thảo luận, thống nhất các nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung trong dự thảo Nghị định về: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, bậc trình độ theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, công nhận văn bằng để đảm bảo tính hội nhập, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của hệ thống y tế Việt Nam;
Có lộ trình thực hiện đảm bảo khả thi trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài, có giải trình xác thực bằng luận cứ khoa học, bằng chứng thực tiễn các quy định nhằm giúp Ban soạn thảo của Bộ Y tế hoàn thiện bản dự thảo phù hợp với các quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và các văn bản có liên quan…
Tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe, báo cáo Lãnh đạo Bộ…