Những sai sót trong khâu ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dẫn tới phải xử lý hình sự vẫn còn là bài học ‘đầy ám ảnh’ trong kỳ thi năm nay. Trong Chỉ thị của Chính phủ về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cũng nêu rõ yêu cầu Bộ GD-ĐT phải ‘bảo đảm đề thi tuyệt đối an toàn, chính xác, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi…’.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra từ ngày 27 – 29.6 tới, trong đó ngày 27.6, thí sinh (TS) sẽ có mặt tại điểm thi để làm thủ tục dự thi, nghe phổ biến quy chế và chỉnh sửa các thông tin sai sót (nếu có). Ngày 28 – 29.6, thí sinh sẽ làm 4 bài thi gồm: Văn, Toán, Bài thi tổ hợp, Ngoại ngữ.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP.HCM
“Bịt lỗ hổng” trong khâu ra đề
Gần thời điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cáo trạng vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đề thi tốt nghiệp THPT môn sinh học năm 2021 được công bố và chuẩn bị đưa ra xét xử. Theo cáo trạng, hai bị can được Bộ GD-ĐT phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và hội đồng ra đề thi môn sinh đã biết được phần mềm rút câu hỏi của Bộ GD-ĐT không ngẫu nhiên nên đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao đưa tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi, sau đó sắp xếp vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức và định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn để xây dựng thành đề thi chính thức; đồng thời dùng các câu hỏi trên làm tài liệu ôn thi cho một số học sinh là người thân quen. Điều này là do phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi của Bộ GD-ĐT không còn được rút ngẫu nhiên mà chuyển sang rút được các tổ hợp câu hỏi mà trong đó các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề.
Kết luận điều tra trên khiến dư luận không khỏi lo ngại trong khâu ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay. Tại hội nghị chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, liên quan công tác ra đề thi, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; các mẫu biểu của mỗi khâu được rà soát hoàn thiện; thực hiện phân định rõ trách nhiệm của những người tham gia hội đồng ra đề thi”.
Về công tác chấm thi, năm nay, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm phiên bản đã cung cấp cho các sở GD-ĐT năm 2022. Nhằm khắc phục một số hạn chế trong việc sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT đã tập huấn và hướng dẫn các sở
GD-ĐT chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, cài đặt và sử dụng đúng quy định; tập huấn kỹ việc sử dụng phần mềm; tổng hợp các hạn chế, lỗi mà các kỳ thi trước bị mắc phải trong chấm thi để có phương án khắc phục, tránh lặp lại.
Ngày mai, các thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Huy động gần 8.000 cán bộ trường Đại học giám sát coi và chấm thi
Về công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ GD-ĐT cho biết đã tập huấn thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2023, chuẩn bị đầy đủ tài liệu, biểu mẫu, sổ tay phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi; đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra thi. Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản phân công các cơ sở giáo dục ĐH cử người tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi tại các địa phương. Theo đó, huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục ĐH để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ tại 63 sở GD-ĐT.
Thí sinh ở Hà Nội chiếm hơn 1/10 tổng số thí sinh cả nước
Với hơn 102.000 TS, TP.Hà Nội có số lượng TS nhiều nhất trong các địa phương, chiếm hơn 1/10 tổng số TS cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay. Hà Nội điều động gần 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi tại các điểm thi; gần 600 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi làm nhiệm vụ giám sát nhằm tăng cường việc bảo đảm an ninh an toàn cho khâu coi thi với nguyên tắc: điểm thi dưới 20 phòng thi có 2 thanh tra; từ 20 – 30 phòng thi là 3 thanh tra; từ 31 – 40 phòng thi là 4 thanh tra…
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nhấn mạnh khâu coi thi cần được thực hiện thật nghiêm túc, chặt chẽ, rõ người, kín việc; tăng cường giám sát, nâng cao trách nhiệm của cán bộ coi thi để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, kết quả thi phản ánh đúng chất lượng học tập.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho hay hiện nay, phần lớn các tỉnh thành đã có đường dây nóng để phản ánh thông tin kịp thời, đảm bảo an ninh, an toàn. Ngoài ra, thanh tra còn thành lập 10 đoàn tham gia kiểm tra sâu các nội dung chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tại một số địa phương.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thanh, kiểm tra, ông Cường khẳng định: “Thanh tra Bộ tiếp tục thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, phối hợp chặt chẽ với thanh tra tỉnh tại các địa phương để đảm bảo an toàn, chặt chẽ, cẩn trọng ở tất cả các khâu. Phải đảm bảo các khâu của kỳ thi đều được kiểm tra. Không được để một cán bộ nào không được tham gia tập huấn mà tham gia vào kỳ thi. Cán bộ phải được tập huấn đầy đủ, hiểu công việc được giao, được làm”.
Mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã hoàn tất
Tạo điều kiện tối đa cho thí sinh
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, cho biết: Qua làm việc trực tiếp với hàng chục địa phương và báo cáo của 63 tỉnh thành gửi về ban chỉ đạo cấp quốc gia cho thấy, tới thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đang diễn ra bình thường và theo đúng kế hoạch.
Thường trực cấp cứu với các tình huống bất ngờ
Ông Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), thông tin bộ này đã có văn bản về đảm bảo công tác y tế phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 gửi tới sở y tế tại các tỉnh thành để đảm bảo an toàn cho kỳ thi; thường trực cấp cứu đối với các tình huống bất ngờ. Trong đó, lưu ý về vị trí địa điểm đặt phòng cấp cứu tại các điểm thi phải phù hợp, thuận tiện công tác cấp cứu nhanh, kịp thời. Bố trí phòng đủ rộng, đủ thoáng để thực hiện các biện pháp cấp cứu hiện trường nhanh chóng. Ngoài ra, các sở y tế thành lập các đoàn, tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại hàng quán, khu vực ăn uống xung quanh các điểm thi, phòng ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh mùa hè có thể xảy ra.
Các địa phương cũng đều xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, PCCC, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra kỳ thi. “Đặc biệt các địa phương đều quan tâm chỉ đạo việc hỗ trợ cho TS có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để bất kỳ TS nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia kỳ thi”, ông Thưởng nói.
Phát biểu khi đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại một số địa phương mới đây, ông Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh quan điểm, trong công tác thi từng chi tiết nhỏ là không thể bỏ qua và đều hướng tới TS, tạo điều kiện tối đa cho TS, tránh những tác động tới tâm lý, tinh thần, kết quả làm bài của các em. “Việc kiểm tra sâu, kỹ, từng chi tiết nhỏ, tất cả là để hướng tới chăm lo cho TS, chăm lo cho các thầy cô giáo đang làm công việc hết sức hệ trọng cho kỳ thi. Tôi luôn chỉ đạo không căng thẳng, cường điệu hóa nhưng phải làm hết trách nhiệm, đúng quy định, đúng quy chế”, ông Thưởng nói.