Dùng phải kháng sinh giả có thể dẫn tới tử vong
SKĐS – Sử dụng kháng sinh giả, bệnh sẽ không khỏi mà nặng thêm, có khi nguy hiểm đến tính mạng…
Kháng sinh giả hoành hành người bệnh lãnh đủ
SKĐS – Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa các thông tin về thuốc giả: Từ thuốc điều trị giả đến thực phẩm chức năng giả…
- Liên tiếp phát hiện kháng sinh giả trên thị trường
Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã liên tiếp có công văn cảnh báo người dân không mua bán, sử dụng viên nén clorocid TW3 (cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16, nhà sản xuất: Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3, ngày sản xuất từ sau ngày 15/9/2019 đến nay; và các viên nén tetracyclin TW3 (tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17, lọ 400 viên, nhà sản xuất: Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3, ngày sản xuất từ sau ngày 1/1/2021 đến nay.
Những loại thuốc này được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) kết luận là thuốc giả sau khi nhận được báo cáo về các mẫu thuốc có kết quả kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính, định lượng và độ hòa tan. Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 3 cũng đã xác nhận không sản xuất các lô thuốc nói trên.
Trước đó, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều thuốc kháng sinh dạng viên nén bị giả nhãn mác nhà sản xuất như cefuroxim 500mg, cefodoxim 200mg, cefixin 200mg, cefixim 100mg…
Thuốc giả khá khó phát hiện, do đó người bình thường rất khó phân biệt. Theo ước tính của WHO, tỉ lệ thuốc giả ở các nước phát triển dưới 1%, tuy nhiên ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, con số này cao hơn.
Nên quan sát kỹ hộp, nhãn thuốc trước khi mua.
Thuốc kháng sinh là loại thuốc bị làm giả nhiều nhất, chiếm khoảng 28% số lượng thuốc giả trên toàn cầu, ước tính kháng sinh giả chiếm khoảng 5% thị trường kháng sinh toàn cầu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa: “Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả”.
- Mối nguy khi dùng phải kháng sinh giả
2.1. Gây thất bại điều trị, thậm chí có thể tử vong
Kháng sinh được sử dụng điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Khi dùng phải thuốc giả (không có hoạt chất hoặc chứa dược chất không đủ hàm lượng), không đủ nồng độ diệt được vi khuẩn, sẽ không có tác dụng điều trị bệnh mà còn đẩy mạnh quá trình phát triển bệnh tật (gây biến chứng, tử vong), trong khi cả bác sĩ và người bệnh đều cho rằng đã sử dụng đúng loại thuốc.
Một số thuốc sản xuất tại cơ sở không hợp vệ sinh có chứa vi khuẩn và nấm mốc, người bệnh có thể bị dị ứng/phản ứng với các thành phần trong thuốc như chóng mặt, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, sốc phản vệ… ảnh hưởng đến tính mạng. Chẳng hạn như thuốc kháng sinh giả dạng tiêm chứa metanol, có thể là nguyên nhân gây viêm tụy, mù lòa, hôn mê, suy tuần hoàn, thậm chí là tử vong.
2.2. Gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh
Sử dụng thuốc kháng sinh kém chất lượng, không đủ hàm lượng hoạt chất có thể dẫn đến không đủ liều kháng sinh, làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh. Khi đó, kháng sinh sẽ mất dần tác dụng khiến thời gian điều trị bệnh kéo dài, chi phí điều trị tăng cao…, tính mạng người bệnh bị đe doạ, thậm chí có thể tử vong ngay cả khi bị các nhiễm khuẩn thông thường.
Sử dụng thuốc kháng sinh giả có thể khiến các bác sĩ mất niềm tin vào thuốc và do đó lựa chọn sử dụng kháng sinh phổ rộng để điều trị nhiễm trùng. Điều này có thể dẫn đến mất hiệu quả của các loại thuốc tương đối rẻ tiền, thúc đẩy việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh đắt tiền hơn mà bệnh nhân ở các nước đang phát triển không đủ khả năng chi trả.
- Làm thế nào tránh mua phải thuốc kháng sinh giả?
Để tránh mua phải thuốc kháng sinh giả, người bệnh nên:
– Mua thuốc tại những địa chỉ tin cậy (nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP). Tuyệt đối không nên mua thuốc trôi nổi, đặc biệt là các thuốc được rao bán qua mạng internet, thuốc xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
– Lúc mua thuốc, cần quan sát kỹ bao bì, hạn sử dụng, nhà sản xuất, kiểm tra màu (màu sắc viên thuốc giả có thể khác thường, xuất hiện những vết lốm đốm, biến màu, không đồng nhất), mùi vị của thuốc.
Người bệnh có thể tự mình tra cứu thông tin thuốc qua mã vạch hoặc số lô sản xuất. Số lô thuốc ở thuốc giả thường bị làm mờ, khó đọc hoặc mập mờ không rõ
– Khi có sự nghi ngờ về bao bì, nhãn mác, về nét chữ in trên sản phẩm, về hình dạng viên thuốc (chẳng hạn như kích thước, hình dáng của viên thuốc không đều nhau) hay mùi vị bất thường (nhất là đối với những thuốc đã quen dùng) so với trước đây, cần cảnh giác… vì rất có thể đó là thuốc giả. Lúc này không nên dùng thuốc mà nên đem đến nhà thuốc để xác minh thực giả như thế nào.
– Ngoài ra, người bệnh cũng nên theo dõi các phương tiện thông tin truyền thông để cập nhật các thông tin về thuốc giả và nắm bắt được những cách thức nhận diện thuốc giả.
Nguồn:Sức Khoẻ và Đời Sống.